Chia sẻ những kinh nghiệm phỏng vấn online quý giá
Nếu đang đọc bài viết này, bạn có thể sẽ tham dự một cuộc phỏng vấn online trong thời gian sắp tới. Các cuộc phỏng vấn luôn là những trải nghiệm căng thẳng và càng áp lực hơn khi đó là các cuộc phỏng vấn từ xa. Bạn phải bắt đầu suy nghĩ giống như một nhà làm phim: nên tập trung mắt vào đâu, tư thế ngồi ra sao, phải sử dụng phông nền như thế nào?…
Nhưng đừng vội hoảng hốt! Nhiều người đã thực hiện suôn sẻ cuộc phỏng vấn online của họ với tinh thần thoải mái và có được kết quả mỹ mãn. Nếu bạn cũng muốn có trải nghiệm tốt đẹp như thế thì tham khảo ngay các kinh nghiệm phỏng vấn online mà mình đã tổng hợp dưới đây nhé.
“Lận lưng những kinh nghiệm phỏng vấn online này, bạn sẽ có tất cả các chìa khóa để thành công trong cuộc phỏng vấn tiếp theo của mình.”
Tổng hợp các kinh nghiệm phỏng vấn online hữu ích
Tập làm quen và sử dụng thành thạo các công cụ online phổ biến như Skype, Zoom, Google Meet
Đi phỏng vấn cũng như đi đánh trận, nếu ra trận mà không biết cách dùng súng thì thất bại đã nắm chắc trong tay. Thử hỏi phỏng vấn online mà không biết cách sử dụng công cụ thì bạn sẽ tham gia buổi phỏng vấn bằng cách nào?
Các công cụ phỏng vấn trực tuyến được sử dụng phổ biến ở Việt Nam không nhiều và cách sử dụng còn dễ hơn cách dùng Facebook, Instagram hay Tiktok. Do đó, trước khi tham gia bất cứ buổi phỏng vấn online nào, bạn hãy dành ra ít nhất 1 buổi để tải phần mềm về máy, tạo tài khoản, tìm hiểu cách sử dụng và luyện tập đến mức thành thạo.
Đặt tên username thật chuyên nghiệp
Những người có kinh nghiệm phỏng vấn online tuyệt đối sẽ không mắc phải sai lầm này nhưng với những tấm chiếu mới – non nớt, chưa từng trải thì lỗi “nhỏ” này chính là câu điểm liệt trong các bài kiểm tra của bạn. Dù bạn xuất hiện với một ngoại hình tươm tất, nói năng lưu loát dễ nghe nhưng trên màn hình lại hiển thị “Boy cô đơn tìm Girl chung tình” thì bạn đã mất sạch điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Một lời khuyên chân thành là hãy thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn ngay từ nickname. Tốt nhất là sử dụng tên họ của bạn, để tạo thêm sự khác biệt thì bạn có thể thêm vào đó ngày tháng năm sinh hoặc các con số yêu thích.
Ăn mặc lịch sự như đi phỏng vấn trực tiếp
Ai cũng từng có một thời “trẻ trâu”. Câu này quả không sai chút nào. Lần đầu tiên tham gia phỏng vấn online, mình như một chú nai con hồn nhiên ngơ ngác giữa cuộc đời. Với suy nghĩ “mình đang ở nhà mình mà, có đi đâu mà phải thay đồ?” mình đã xuất hiện trước màn hình của nhà tuyển dụng với bộ đồ thể thao chuyên mặc ở nhà. Sau này mình mới hiểu, trang phục đó không quá lôi thôi nhưng nó thực sự không phù hợp với hoàn cảnh và tính chất của buổi phỏng vấn. Nó khiến người đối diện cảm thấy không được tôn trọng. Và đương nhiên, buổi phỏng đó, mình RỚT.
Theo nguyên tắc chung, nếu bạn không mặc trang phục đó đến buổi phỏng vấn ở văn phòng, thì đừng mặc nó trong các cuộc phỏng vấn online. Giống như tất cả các buổi gặp gỡ trực tiếp, đây là cơ hội để bạn tạo ấn tượng ban đầu tuyệt vời, vì vậy bạn nên trông thật chỉnh tề và chuyên nghiệp, ngay cả khi ở trong nhà của bạn.
Chọn vị trí có tường trơn hoặc muốn nhanh và đẹp hơn thì hãy cài đặt background ảo
Tiếp nối ý 3, để tránh những khung cảnh bê bối không nên xuất hiện trong tầm mắt của nhà tuyển dụng, hãy lựa chọn cho mình một background không cần phải đẹp xuất sắc nhưng ít nhất phải sạch sẽ, chỉn chu. Nếu rành công nghệ hơn thì hãy nhanh tay cài đặt background ảo (nếu có thể làm được thì tốt nhưng không bắt buộc nhé). Thật ra ngày đó mình nào biết background ảo là gì, bây giờ thì đã lợi hại hơn xưa rồi.
Câu chuyện muôn thuở với màn hình và camera
Nếu là tín đồ của các bộ phim Hollywood, bạn có thể nhận ra những thước phim cận cảnh thì mắt của nhân vật đều ở khoảng 2/3 màn hình. Như vậy sẽ khiến người xem cảm thấy dễ chịu khi nhìn thấy khuôn mặt người lấp đầy màn hình. Điều này có nghĩa là khi phỏng vấn online, bạn cũng cần đảm bảo toàn bộ khuôn mặt ở giữa màn hình và mắt của bạn nên ở khoảng 2/3 khung hình.
Khi đã xác định được khung hình, thì kinh nghiệm phỏng vấn online tiếp theo là đặt laptop ở trên một cuốn sách hoặc chiếc hộp để có thể giao tiếp ngang tầm với người phỏng vấn. Đừng đặt laptop quá cao khiến bạn phải ngước lên và tuyệt đối đừng đặt quá thấp để bạn phải nhìn xuống. Đó chẳng khác nào là sự xem thường người đối diện, mà chẳng ai thích bị coi thường cả.
Khi đã đặt laptop ở vị trí tốt nhất thì vấn đề mới lại xuất hiện: bạn nên nhìn vào đâu?
Điều tệ nhất khi trò chuyện video là liên tục nhìn vào hình ảnh của chính mình. Hành động này cho thấy như thể bạn đang giấu giếm điều gì đó. Để tránh bị hiểu lầm như vậy, hãy nhìn vào camera.
Nếu chưa quen với điều này, hãy đặt một hình mặt cười hoặc bức ảnh nhỏ của crush ở gần camera để tạo sự chú ý. Như vậy bạn sẽ nhớ nhìn vào camera và giao tiếp bằng mắt với người phỏng vấn. Lúc này, họ sẽ biết rằng bạn không bị phân tâm bởi các tin nhắn, duyệt web hay bất cứ điều gì khác. Nói như thế nhưng không phải lúc nào bạn cũng nhìn chằm chằm vào camera vì như thế bạn sẽ không biết được ngôn ngữ cơ thể hay phản ứng của nhà tuyển dụng. Thế nên tốt nhất là cân bằng giữa việc nhìn vào camera và nhìn vào hình ảnh của người phỏng vấn.
Tránh nơi có tiếng ồn hoặc wifi chập chờn để buổi phỏng vấn không bị gián đoạn
“Alo alo, nãy giờ em nghe không rõ, chị có thể nói lại được không ạ?”
“Ủa em, em đang ngồi ở đâu mà chị nghe tiếng trẻ con khóc quá trời vậy?”
Sự cố mạng hay tiếng ồn là điều không ai mong muốn nhưng bạn nên tiên lượng trước những trường hợp xấu có thể xảy ra để hạn chế nó đến mức tối đa. Chính xác thì âm thanh mà nhà tuyển dụng của mình nghe được trong buổi phỏng vấn online ngày đó không phải tiếng trẻ con khóc mà là tiếng phụ huynh đang hò la con của họ cơ ạ. Và tin mình đi, trải nghiệm tồi tệ này khiến mọi nhà tuyển dụng chỉ muốn lập tức nhấn nút kết thúc cuộc gọi mà thôi.
Vậy nên các cuộc phỏng vấn online sau đó mình đều sử dụng tai nghe. Khi bạn sử dụng tai nghe, người nghe chỉ nghe thấy âm thanh của giọng nói của bạn, to và rõ ràng. Tất cả các âm thanh trong môi trường xung quanh – bao gồm cả tiếng vọng – đều được giảm thiểu.
Mỉm cười với người lạ và bạn có thể thay đổi một cuộc đời – Steve Maraboli
Một nụ cười tự nhiên và một tia sáng lấp lánh trong mắt có thể ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc và trải nghiệm của bất cứ ai. Vì vậy, hãy tận dụng “vũ khí” lợi hại này bằng cách thỉnh thoảng mỉm cười trong buổi phỏng vấn online của mình nhé.
Nếu có thể thực hiện 7 điều trên, buổi phỏng vấn online coi như đã thành công một nửa, 50% còn lại tùy thuộc vào năng lực và kỹ năng ứng xử của bạn. Nghĩ lại thì ngày đó, giá như cũng có người chỉ bảo cho mình những kinh nghiệm phỏng vấn online hữu ích này thì quãng thời gian thất nghiệp và chông chênh nhất trong cuộc đời mình đã được rút ngắn đi rất nhiều.